Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% vào năm 2025, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một báo cáo công bố hôm 12/3, trong đó lưu ý triển vọng bất định về thương mại toàn cầu sẽ là một rủi ro đối với nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo WB đưa ra thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức của chính phủ Việt Nam đề ra cho năm nay là ít nhất 8%, và mức tăng trưởng 7,09% đạt được vào năm ngoái.
Việt Nam là nền kinh tế đạt tăng trưởng cao nhất trong các nước đang phát triển của khu vực Đông Nam Á vào năm ngoái nhờ vào xuất khẩu phục hồi mạnh và cao hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, báo cáo của WB cho biết đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong năm 2026 do dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn ở các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ, và do “viễn cảnh bất định về thương mại toàn cầu” trong điều kiện dự kiến có sự chuyển dịch về chính sách thương mại.
Theo đó, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 12,1% trong năm nay, từ mức tăng trưởng 14% vào năm 2024, và sẽ giảm dần vào năm 2026.
Theo WB, triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các yếu tố bất định đang gia tăng do độ mở của kinh tế Việt Nam rất lớn.
Những yếu tố bất định chính bao gồm tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, những bất định do chuyển hướng chính sách thương mại, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc về thương mại... có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng của Việt Nam.
Về lạm phát, WB dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% trong các năm 2025-2026, thấp hơn mục tiêu 4,5-5% cho năm 2025.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những rủi ro từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối với các đối tác thương mại của mình và rủi ro leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm xuống 6,8% trong năm 2025 trước khi ổn định ở mức 6,5% trong năm 2026.
Đầu tư nước ngoài và kim ngạch thương mại dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn 2025-2026. Dòng vốn FDI dự kiến sẽ vẫn ổn định trong ngắn hạn đến trung hạn, phản ánh sự quan tâm liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vẫn theo báo cáo của WB.